HÀ NỘI

(024) 3 941 1891/2 - 0914 863 466

ĐÀ NẴNG

(023) 6 396 7776 - 091 608 2128

HỒ CHÍ MINH

(028) 6261 1177 - 0909 171 388

Du học… ngậm ngùi

Cách giảng dạy, đánh giá khả năng học tập và giá trị bằng cấp trong thực tiễn tuyển dụng nhân lực của hệ thống giáo dục nước ngoài luôn là niềm ao ước của nhiều phụ huynh, học sinh Việt Nam. Vì vậy, cho con du học trở thành xu thế của những gia đình khá giả, biết… nhìn xa trông rộng.

Nhưng cũng chính vì mải nhìn quá xa, nhiều người đã vấp đau khi bỏ qua những vấn đề hết sức căn cơ trước mắt.

Quá sức vì du học

Ngay từ khi cậu con trai vào lớp 6, chị Kim Ngân, giám đốc một công ty phân phối máy tính xách tay đã phác thảo xong lộ trình du học cho con: “Hết lớp 9 sẽ đi học tiếp phổ thông ở Singapore, sau đó học ở NUS (ĐH Quốc gia Singapore), rồi chuyển qua Mỹ lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Nếu thuận lợi thì… cưới vợ và ở luôn nước ngoài. Còn không thì về Việt Nam, tha hồ chọn việc…”.

Hiện không ít gia đình như nhà chị Kim Ngân, thậm chí ngay từ mẫu giáo, cha mẹ đã cho con vào trường mầm non quốc tế để theo con đường tiểu học, trung học quốc tế rồi du học nước ngoài. Tuy nhiên, trong thực tế, hệ lụy phổ biến nhất trên con đường du học của con cái là vấn đề tài chính. Nhiều người không lượng được sức mình đã phải lâm vào tình trạng dốc sức “chạy tiền”, thậm chí đánh đổi mọi thứ để có đủ tiền đầu tư cho con, nhưng kết quả không phải bao giờ cũng như mong muốn.

“Liệu cơm gắp mắm” là câu anh Quang Dũng luôn nhắc để kiềm chế vợ. Nhưng chị Hồng Hà, vợ anh vẫn quyết định cho cả hai con sang Anh du học. Mỗi năm, anh chị phải chạy cho ra một tỷ đồng để gửi cho con. Đó là số tiền quá lớn, nhất là với công chức nhà nước. Nhưng đã “leo lưng cọp”, chị Hà phải vay tiền ngân hàng, bán nhà, đất của cha mẹ để lại. Bất kỳ cơ hội nào có thể kiếm tiền, chị cũng lao vào. Biết những quan hệ phức tạp của vợ tổn hại đến gia phong, anh Dũng ngày càng bất lực, chán ghét vợ. Bi kịch hơn, sau khi hai con tốt nghiệp, một ở lại Anh cưới vợ, một về Việt Nam mãi không kiếm được việc làm vì năng lực không thích ứng. Khi nghe thông tin về lối sống buông thả đầy tai tiếng của mẹ, “cậu cử ” đã đứng về phía cha, tuyên bố… không nhìn mặt mẹ!

Hè này, vợ chồng chị Hà Thanh lặn lội từ TP.HCM ra Hà Nội để đưa cậu con trai đi thi đại học. Anh chị có ba con, cả ba đều đã được cho đi du học. Khác với hai chị đi học châu Âu, cậu út được cho đi Singapore du học khi vừa xong lớp 11. Vợ chồng chị chọn cho con ngôi trường tốt nhất ở quốc gia có môi trường giáo dục hàng đầu khu vực. Cũng chỉ cần hai giờ bay, vợ chồng chị đã có thể sang thăm con. Tuy nhiên, sau hai năm tốn đứt một tỷ đồng, anh chị đành ngậm ngùi cho con về Việt Nam học lại lớp 12. Lý do? Chị thừa nhận mình sai lầm quá nhiều.

Thứ nhất, tưởng chọn cho con trường tốt để học tập tốt, nhưng vì tốt nhất, nên ở đó tập trung toàn con nhà giàu Việt Nam. Các quý tử đi học thì ít mà “shopping” thì nhiều. Con chị thì không thích mua sắm nên hễ nghỉ học hai, ba ngày lại bay về Việt Nam với cha mẹ. Ngược lại, sợ con buồn, cuối tuần vợ chồng chị thường bay sang thăm con. Kết quả, lối sống nương dựa vào bố mẹ vẫn không thay đổi. Mục tiêu để con tự lập khi đi học xa nhà xem như không thành.

Thứ hai, Singapore mạnh về đào tạo các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ máy tính, kinh doanh nhưng con trai chị lại thích học lịch sử thế giới và triết học. Những môn này đòi hỏi vốn tiếng Anh và kiến thức xã hội phải rất cứng trong khi trình độ ngoại ngữ của cậu bé ở mức “phải chạy dài theo người ta”. Cuối cùng, tiền bạc đội nón ra đi mà kết quả là “đầu không đến trời và chân cũng chẳng chạm đất”. Chị Thanh cho con ra Hà Nội thi đại học, với suy tính: nếu đậu con sẽ tập quen với cách sống tự lập mà cha mẹ vẫn theo dõi sát sao được.

Tài chính phải “ổn”

Du học là lựa chọn đúng của nhiều phụ huynh với mong muốn giúp con cái nhanh chóng tiệm cận các nền giáo dục tiên tiến của nhân loại. Tuy nhiên, thành quả thu về không phải bao giờ cũng như ý mà còn có những dư vị… ngậm ngùi! Đi du học nên hay không? Câu trả lời là nên, nhưng để tránh ngậm ngùi, phải kèm theo ít nhất hai điều kiện. Thứ nhất, khi quyết định cho con du học tự túc, tài chính của bạn phải “ổn”. Anh Thành Cường, P.9, Q.10, TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm: lo tiền cho con du học phải tính toán như xây nhà. Tức phải trù liệu khoản phát sinh đột xuất để ứng phó kịp thời và phải tự lực là chính. Trước đây, anh Cường được người thân ở Mỹ nhận hỗ trợ chi phí ăn ở và sẵn sàng ứng trước học phí cho con gái anh suốt mấy năm du học. Nhưng mới năm thứ hai, gia đình họ gặp khó khăn, sự hỗ trợ này bị đứt. Anh Thành đã  xuất huyết dạ dày vì căng thẳng khi phải chạy cấp tốc khoản tiền gần 60.000 USD lo cho con. Thứ hai, dù tiền là chính, nhưng yếu tố quan trọng vẫn là năng lực người học.

“Hiện nay, nhiều gia đình thích cho con du học sớm. Nhưng đó không phải là xu hướng hợp lý” – PGS-TS Trần Quốc Thành – Trưởng khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định. Theo TS Thành, ngoài năng lực tư duy thích ứng với môn học, ở tuổi chưa cứng cáp, kỹ năng sống của học sinh còn rất non nớt, khả năng tự lập hạn chế, lại đang trong giai đoạn tâm lý thất thường của tuổi mới lớn nên rất khó khăn khi sống và học tập xa cha mẹ. Mặc dù mỗi em mỗi khác, nhưng nhìn chung nếu phải sống trong một môi trường lạ, không hòa nhập được, các em thường hay cô đơn, dễ nghĩ quẩn. Nhiều trường hợp cho con đi học quá sớm từ cấp II, cấp III vừa không đạt hiệu quả mong muốn, vừa phản tác dụng.

Theo www.phunuonline.com.vn






 

Hoặc liên hệ Hotline:

  • AMEC Hà Nội  (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
  • AMEC Đà Nẵng    (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
  • AMEC Hồ Chí Minh  (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388

Facebook: https://www.facebook.com/toididuhoc



Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

(*)

Có thể bạn quan tâm:

Tin du học nổi bật

Tin du học Mới Nhất

Đăng ký tư vấn miễn phí