HÀ NỘI

(024) 3 941 1891/2 - 0914 863 466

ĐÀ NẴNG

(023) 6 396 7776 - 091 608 2128

HỒ CHÍ MINH

(028) 6261 1177 - 0909 171 388

Du học sinh về nước: Có nên hay không?

Có nên về nước hay không luôn là một câu hỏi lớn với mỗi du học sinh. Câu hỏi này xuất phát mâu thuẫn du học sinh muốn về làm việc và cống hiến cho đất nước, nhưng môi trường làm việc trong nước liệu có phát huy được  năng lực của họ? liệu họ có chọn được 1 vị trí phù hợp? liệu họ có được đãi ngộ xứng đáng?Bài viết này không cố gắng trả lời các câu hỏi của du học sinh, cũng như không cố gắng đưa ra lời khuyên nên trở về hay không trở về. Bài viết chỉ cố gắng đưa ra phân tích về thực tế cuộc sống các du học sinh đã về nước, phân tích những khó khăn, thuận lợi cũng như chia sẻ kinh nghiệm của các du học sinh đã về nước. Quyết định cuối cùng không ai khác chính là các du học sinh bởi họ, hơn ai khác, hiểu rõ mình cần gì, lo lắng gì, và kì vọng điều gì.

Thực tế cuộc sống của một số du học sinh đã về nước

Thành công có

Xu hướng quay về Việt Nam lập nghiệp đang dần hình thành trong cộng đồng du học sinh. Họ được gọi là “returner” (những người quay trở lại) với những dự án vô cùng sáng tạo, hữu ích cho môi trường làm việc trong nước. Người khởi xướng cho phong trào này có lẽ là anh Lê Hồng Minh, người đã thành lập Vinagame (VNG) vào năm 2004 và dần dần biến nó trở thành công ty kinh doanh thương mại điện tử lớn nhất cả nước. Anh Hồng Minh trước đây là du học sinh tại Úc, chuyên ngành Tài chính.Cái tên Trần Đăng Khoa (SN 1981) cũng là một “hiện tượng” trong giới trẻ Việt Nam với cuốn sách do anh dịch và đã in “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế”. Anh không chỉ được biết đến như một dịch giả mới nổi trong nước mà đằng sau đó là một câu chuyện đến khó tin về anh với những quyết định táo bạo. Hiện nay, anh đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của TGM Corporation – chuyên về lĩnh vực đào tạo và xuất bản nhờ những khóa đào tạo và những quyển sách mang tính hiện tượng.

Diễn giả Trần Đăng Khoa

Diễn giả Trần Đăng Khoa giao lưu với học sinh, sinh viên TP. HCM

Sau 10 năm cống hiến và học tập, Trần Đăng Khoa đã quyết định trở về Việt Nam với không ít hoài nghi. Diễn giả Trần Đăng Khoa cho biết: “Khi tôi quyết định từ bỏ đất nước Singapore, một môi trường học tập và làm việc tốt mà nhiều bạn sinh viên nước ngoài sau khi học xong đều mong muốn được ở lại thì không ít người cho rằng, tôi quá mạo hiểm và có chút… điên rồ. Đơn giản đối với tôi đó là niềm đam mê và sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo đuổi ước mơ của mình. Khi tôi đưa ra quyết định và chuẩn bị mọi thứ cho chuyến trở về Việt Nam, một số người thân của tôi đã rất lo lắng, đặc biệt là ba mẹ. Bên cạnh đó, một số bạn bè cũng tỏ vẻ hoài nghi về quyết định của tôi.Tới nay, rất nhiều những công ty được thành lập bởi các du học sinh về nước như KMS, Greengar, KeewiNot A Basement StudioTikiBo Cong Anh, Istart, LuvPrintGeeky… đã bắt đầu “lên sóng” và mở ra nhiều dịch vụ vô cùng mới mẻ nhưng cũng rất hữu ích. Chẳng hạn như Tiki được biết đến là trang web bán sách trực tuyến uy tín hay Keewi là trang web cho phép bạn chia sẻ thông tin về sự kiện, hội thảo (event) của mình hay Not A Basement Studio lại là công ty được biết đến với những ứng dụng cho điện thoại thông minh…

Thất bại có

Anh Vũ Hùng, cựu sinh chuyên ngành tự động hóa, về nước năm 2006, hiện đang làm tại một công ty cổ phần dầu khí (thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam – Petro Việt Nam), cho hay điều khiến anh cảm thấy tiếc nhất là không có điều kiện phát huy đúng chuyên môn, sở trường. Được công ty rộng vòng tay tiếp nhận với mức lương tàm tạm, nhưng thay vì được trở thành kỹ sư tự động hóa, anh lại phải làm công việc của chuyên viên marketing, quanh năm bận rộn với những hợp đồng tìm kiếm kêu gọi đối tác.Chung tâm trạng này, anh Thanh Sơn, chuyên ngành máy công nghiệp về nước năm 2005, cũng cảm thấy có rất nhiều bất ổn khi xin việc làm ở các cơ quan Nhà nước. Chuyên về nghiên cứu máy nên khi đi xin việc ở các trường ĐH, anh được chỉ sang các viện nghiên cứu, khi tới các viện nghiên cứu thì lại không được triển khai những đề tài tâm huyết. Quá chán nản, anh quyết định đứng ra thành lập một công ty chuyên tư vấn du học và tìm kiếm việc làm. Theo anh, xin được học bổng du học đã khó, nhưng việc hoạch định phương hướng khi trở về đối với các cựu sinh còn khó hơn.  Anh Thanh Sơn chia sẻ: Ở những cơ quan Nhà nước hoặc các viện nghiên cứu, việc mơ tới tiền lương trả bằng USD là điều quá xa xỉ. Cũng có những doanh nghiệp hoặc tập đoàn trả cho họ mức lương 1.000 USD hoặc hơn thế, nhưng cơ hội thăng tiến không nhiều. Vì vậy đại đa số các cựu sinh “nhảy việc” thường xuyên hoặc ngấp nghé tìm cơ hội việc làm ở các công ty, tập đoàn có 100% vốn đầu tư nước ngoài.Anh Hoàng Phương, đang công tác tại Petro Việt Nam, cho biết anh về nước năm 2007 sau khi đã hoàn thành chương trình cao học chuyên ngành nhiên liệu sinh học tại Mỹ. Vì đây là một chuyên ngành mới nên anh đã phải gõ cửa rất nhiều công ty mới tìm được nơi đầu quân ưng ý. Tuy nhiên, dù là kỹ sư thuộc loại “hàng độc”, anh vẫn phải trải qua nhiều cửa ải khó khăn, thậm chí nhiều khi bị các đồng nghiệp kèn cựa làm khó. Cùng với đó là chế độ lương bổng quá bèo bọt, đánh đồng. Thu nhập gần 500 USD/tháng, theo anh Phương là mức đãi ngộ không tương xứng với công sức và chuyên môn. Cho nên thời gian tới, anh sẽ chuyển sang làm việc cho một công ty dầu khí của Singapore với mức lương khởi điểm 2.000 USD.Kết quả khảo sát 350 du học sinh thực hiện bởi công ty nhân sự SHD cho biết:Trong số du học sinh đã tốt nghiệp, 64% quyết định ở lại nước sở tại để sinh sống và làm việc. 66% trong số du học sinh quyết định ở lại nước sở tại sau khi tốt nghiệp cho rằng, chế độ lương/thưởng tại Việt Nam chưa xứng đáng với công sức, tiền bạc họ đã đầu tư trong quá trình học ở nước ngoài. Vì thế, họ chưa muốn về Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp.Đối với nhóm du học sinh đã tốt nghiệp trở về Việt Nam, 87% gặp nhiều khó khăn về yếu tố văn hóa doanh nghiệp, môi trường làm việc tại các doanh nghiệp (đa quốc gia, liên doanh và công ty Việt Nam). 83% chưa hài lòng về chuyện lương, thưởng. 

Những lợi thế của du học sinh khi khởi nghiệp ở “nhà”

1. Kiến thức sâu

Được học tập ở nước ngoài với môi trường đào tạo bài bản, nội dung chương trình hiện đại, phương pháp học tiên tiến, đội ngũ giảng viên tâm huyết và chuyên môn cao, các du học sinh tốt nghiệp có trình độ chuyên môn, kiến thức sâu.  Ở bất kì quốc gia nào cũng cần những người có kiến thức, kinh nghiệm từ nhiều ngành nghề khác nhau để phát triển nền kinh tế. Vì vậy, đây là lợi thế lớn của các du học sinh khi về nước khởi nghiệp.

2. Tự tin

So với cuộc sống bao bọc của gia đình, du học sinh phải tự xoay xở và sống độc lập từ sớm. Chưa kể đến môi trường học tập yêu cầu tư duy độc lập, kinh nghiệm làm việc thực tế buộc bạn phải học hỏi và trải nghiệm nhiều. Những năm tháng học tập ở nước ngoài sẽ tôi luyện kinh nghiệm quý giá khiến bạn trưởng thành và tự tin hơn trong mọi hoàn cảnh.Cao Phương Hà, cựu sinh viên đại học Havard, hiện đang là tổng giám đốc Street job Việt Nam tâm sự điều chị học được trong những năm tháng du học chính là thái độ “Can-do attitude”, một sự tự tin nhất định ở bản thân. Không phải kiến thức trên ghế nhà trường hay kinh nghiệm làm việc mà chính sự tự tin tạo cho chị bản lĩnh dám nghĩ dám làm, từ đó đưa ra được những giải pháp cho một vấn đề nan giải.Anh Hồ Quang Khánh, CEO Cùng mua chia sẻ: “Ăn thua vẫn là liều, bây giờ có học bằng MBA hay bằng nọ bằng kia, học càng nhiều thì phân tích càng nhiều, phân tích càng nhiều thì càng khó làm”. Nhưng cũng cần lưu ý “điểm quyết định sự thành công là ở sự tự tin, nhưng tự tin một cách thái quá thì cũng khó hòa nhập”.

 3. Suy nghĩ độc lập

Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự khác biệt trong phương pháp học tập khi đi du học và học tại Việt Nam. Một trong những điểm khác biệt là sinh viên được yêu cầu tự làm việc và phân tích độc lập. Chẳng hạn, khác với ở Việt Nam, các giáo sư luôn muốn học sinh tự tìm hiểu và phát triển ý tưởng của bản thân nên để giao bài tập nhóm trước. Khi vấp phải vấn đề và đã thảo luận nhóm cặn kẽ, giáo sư mới giải đáp và hệ thống toàn bộ kiến thức chính. Cách học này nhớ bài rất lâu và giúp sinh viên biết vận dụng kiến thức vào thực tế.Anh Lê Trí Thông, phó tổng giám đốc ngân hàng Đông Á, cựu du học sinh Oxford cho rằng du học không chỉ là kiến thức mà chính là cách suy nghĩ, tiếp cận vấn đề một cách đa chiều và dung hòa, cởi mở. Ở Việt Nam không khuyến khích suy nghĩ độc lập và phát triển cá tính con người, nhưng ở nước ngoài lại rất khuyến khích điều đó. Việc này giúp anh nhận ra không chỉ có một lời giải duy nhất đúng sai hoàn toàn cho một vấn đề. Quan trọng là cách làm sao để dung hòa các lời giải và tìm cách giải quyết hiệu quả nhất

4. Góc nhìn mới

Đi du học, du học sinh sẽ có dịp trải nghiệm nền văn hóa của nhiều quốc gia từ các sinh viên quốc tế, mở rộng mối quan hệ và học cách làm việc trong các doanh nghiệp toàn cầu. Họ cũng có một thuận lợi là được tiếp xúc với những sản phẩm, dịch vụ ở các nước phát triển mà người Việt ở trong nước đang cần. Chính vì nhìn thấy khoảng khác biệt này đã giúp họ thấy được tiềm năng của những sản phẩm đó.Khóa học “Tôi tài giỏi” chẳng phải là phiên bản Việt của khóa học “I’m gifted” trên thế giới đó thôi.  Hay, với kinh nghiệm học tập và làm việc trong môi trường quốc tế, một nhóm bạn đã nhìn ra tầm quan trọng của ngoại ngữ và khả năng hòa nhập trong môi trường làm việc quốc tế mà thành lập khóa học Istart Academy.Chị Trương Thanh Thủy, CEO Greengar, cựu du học sinh Mỹ đã học được cách nhìn hoàn toàn mới từ những người bạn quốc tế của mình khi đi du học. Chẳng hạn “khi bạn định làm một điều gì đó và một người chạy đến nói với bạn “Đã có người khác làm trước cậu rồi”, thường các bạn Việt Nam sẽ lo lắng, nhưng với những bạn được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường Mỹ thì sẽ có mong muốn làm tốt hơn nữa”.Chị Thủy cũng nghĩ những người đánh giá thấp mình là cần thiết vì người ta cho mình thấy được thực tế. Không phải ai cũng có cái nhìn này. Người khác chỉ có thể đánh giá thấp về mình khi người ta nói ra được khuyết điểm của mình. Đó là một cơ hội để bản thân cố gắng nhiều hơn nữa. Một người khởi nghiệp cần phải biết lắng nghe những gì người khác nói. Nhưng điều quan trọng nhất là phải tin vào chính mình.

5. Cọ xát với thực tế

Việc học ở Việt Nam không khuyến khích đầu tư thời gian vào công việc bên ngoài trường học. Tuy nhiên du học có thể coi như một môi trường giả lập trước khi bước vào sự nghiệp. Bạn có thể sử dụng việc học tập trên trường như một phép thử. Chẳng hạn kinh doanh nhỏ, tham gia dự án, tìm lời giải cho một tình huống thực tế…Anh Hồ Quang Khánh, CEO Vật giá đã làm việc cho quỹ đầu tư Mekong Capital chia sẻ rằng ngoài việc áp dụng được một phần kiến thức trên trường vào công việc, Khánh còn học được cách tổ chức công việc và kỹ năng quản lý đánh giá nhân viên: “Khi tuyển một nhân viên thì người đó phải nhìn thấy được mục tiêu chung của công ty để làm việc.Trong một công ty thì xu hướng “co cụm” cũng dễ xảy ra, sẽ có tình trạng so sánh phòng ban nọ hơn phòng ban kia. Là người lãnh đạo thì phải luôn hướng họ về một mục tiêu chung của công ty. Không nên đổ tại người Việt như thế này hay thế khác, mà ăn thua là ở cách tổ chức để giúp họ làm tốt nhất”. Chắc chắn những kĩ năng sống còn này đã giúp anh đưa Vật giá phát triển như bây giờ.Bất kể đi đu học hay học trong nước đều có những lợi thế nhất định, nhưng bạn cần biết trường đại học chỉ là nơi cung cấp những kĩ năng cơ bản cho sự nghiệp sau này. Kiến thức học tập trên trường ngày nay có thể tìm kiếm đầy rẫy trên Internet hay sách báo. Thậm chí bạn có thể mua giáo trình nước ngoài về tự học trên Amazon. Vì vậy điểm mấu chốt là học được cách biến những thứ chưa biết thành đã biết, cách thay đổi và thích nghi cho phù hợp với môi trường làm việc. Vì vậy học ở đâu không quan trọng bằng việc bạn đã học được gì và áp dụng như thế nào.

Khó khăn của du học sinh khi về nước

1. Thiếu hiểu biết về môi trường làm việc tại Việt Nam

Học tập tại tại nước ngoài, du học sinh quen với môi trường làm việc quy củ trong nền kinh tế đã phát triển, do đó khi quay trở lại môi trường làm việc ở Việt Nam, nhiều người không khỏi shock và cảm thấy khó khăn để hòa nhập. Điều này đã đẩy nhà tuyển dụng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ e ngại giao những vị trí cấp cao yêu cầu kinh nghiệm cho du học sinh, đồng thời đắn đo khi quyết định nhận du học sinh vào những vị trí thấp bởi lo sợ mức lương không tương xứng sẽ không giữ chân nhân viên lâu dài.Chị Cao Phương Hà, tổng giám đốc Street Job từng là cựu du học sinh Havard ngành MBA. Sau 14 năm học tập và làm việc ở nước ngoài, chị quyết định quay về Việt Nam lập nghiệp. Chị Hà chia sẻ sau khi thử sức công việc ở một công ty truyền thông hơn 2 tháng, chị nhận ra văn hóa quản trị quá khác biệt khiến chị cảm thấy gò bó nên quyết định ra đi. Thậm chí mãi sau này khi đảm nhận vị trí cấp cao ở Street Job, chị vẫn gặp khó khăn trong việc thay đổi cho phù hợp với môi trường làm việc. Theo Phương Hà, môi trường làm việc ở nước ngoài, cụ thể là các nước châu Âu có đôi chút khác biệt. Văn hóa công ty phân biệt rạch ròi giữa công việc và đời sống cá nhân trong khi ở Việt Nam, nhân viên chia sẻ với nhau mọi chuyện như người một nhà. Chính điều này đã khiến chị bị đánh giá là “xa cách nhân viên”.

2. Kì vọng quá cao về công việc khởi điểm

Tấm bằng chuyên ngành, CV rạng ngời và kinh nghiệm thực tập, làm việc tại nước ngoài là những điều khiến du học sinh tự hào. Nhiều du học sinh kỳ vọng cao vào mức lương và vị trí quản lý khi tìm việc trong khi sinh viên tại Việt Nam thực tế hơn và chấp nhận xuất phát điểm thấp.Lời khuyên của Tuấn Nguyễn, cựu du học sinh Thụy Sĩ ngành quản lý khách sạn cho bạn: Hãy bắt đầu từ vị trí thấp, lắng nghe và học hỏi những người đi trước để hoàn thiện kĩ năng của mình. Bạn không thể trở thành quản lý nhà hàng nếu bạn không hiểu rõ công việc của nhân viên tiếp tân, bồi bàn. Một vị trí thấp sẽ giúp bạn hiểu nhân viên của mình khi trở thành quản lý, đồng thời cho bạn thời gian làm quen và thay đổi phù hợp với môi trường làm việc tại Việt Nam

3. Bằng cấp quốc tế không phù hợp với công việc

Du học sinh thường nghĩ rằng những kiến thức và kinh nghiệm học được trong sách vở là quan trọng nhất, được sử dụng nhiều nhất trong công việc. Nhưng thực tế không phải vậy.Anh Hồ Quang Khánh, CEO Cùng mua, cựu du học sinh Canada ngành MBA chia sẻ trên Vietnamnet: thành công đến từ yếu tố con người chứ không phải kiến thức học được khi đi du học. Anh Khánh đã thấy rất nhiều người học xong MBA nhưng không sử dụng được bằng cấp của mình trong ngành quản lý.Chị Hà, tổng giám đốc Street job chia sẻ từ kinh nghiệm của một du học sinh và một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp: nhiều công ty hiện nay thật sự không quan tân đến việc bạn đến từ đâu khi mới ra trường. Quan trọng là thái độ học hỏi, sự tự tin, kĩ năng tư duy độc lập và kinh nghiệm làm việc. Tốt nghiệp từ một trường danh giá chắc chắn sẽ làm CV của bạn nổi bật nhưng không phải là yếu tố quyết định đến việc nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn bạn.

Chia sẻ của các du học sinh đã về nước

Anh Lê Hồng Minh, CEO VNG corporation: “Vứt bỏ tất cả và làm mọi thứ”

Trở về từ Canada, anh Minh có 2 lời khuyên dành cho các bạn trẻ dự định lập nghiệp. Lời khuyên đầu tiên về nuôi dưỡng đam mê. Anh dùng ví dụ về tình yêu để giải thích quan điểm của mình.“Hầu hết mọi người khi yêu đều trải qua những cảm xúc đẹp đẽ ban đầu, cũng như một doanh nhân khởi nghiệp tràn đầy nhiệt huyết, mong muốn thành lập đế chế của riêng mình. Nhưng tình cảm qua thời gian sẽ dần cạn khô, nên nếu chỉ có nhiệt huyết cũng không xây dựng được mối quan hệ bền vững. Theo mình, đam mê không nên chỉ là một trạng thái cảm xúc. Đam mê là dám vứt bỏ tất cả và làm mọi thứ để duy trì điều mình mong muốn. Là hành động làm thế nào để duy trì và phát triển công ty bền vững trong 9, 10 năm sau”.Lời khuyên thứ hai của anh Minh: Tập trung vào những kỹ năng cơ bản và làm thậtt tốt thay vì nói về những điều to lớn và 101 cách để phát triển và mở rộng doanh nghiệp của mình. Không giống những màn biểu diễn võ thuật tinh xảo trong điện ảnh Hollywood, những con người thực tế cần luyện tập nhuần nhuyễn các bước đi cơ bản. Nghĩ thật sâu và học hỏi kiến thức, trải nghiệm về những gì bạn muốn làm. 

3 CEO du học sinh Lê Hồng Minh, Nguyễn Ngọc Điệp, Trần Tuấn Anh chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp thành công

 

Anh Nguyễn Ngọc Điệp, CEO Vật giá: “Biết cái đích đến của mình”

Với kinh nghiệm du học và làm việc tại Nhật Bản cùng quãng thời gian đầu mở Vật giá, anh Điệp đưa ra lời khuyên cho các startup: “Khi khởi nghiệp thì 100% là sẽ mất tinh thần, mất nhiệt huyết. Mất tiền thì có thể xin đầu tư, nhưng mất nhiệt huyết thì là mất hết. Khi đó, mình phải bình tâm và nhìn lại vấn đề. Điều quan trọng là ở lòng tự trọng, là ở sức mạnh tinh thần của mình. Lúc ý là lúc thử thách lòng tự trọng của mình lớn đến mức độ nào? Mình phải vứt bỏ cái tôi, vứt bỏ những suy nghĩ buồn chán để mà bước tiếp, để cố gắng. Lòng tự trọng của mình phải đủ lớn để trong mọi trường hợp, dù bị vùi dập, bị vấp ngã, thất bại thì vẫn có thể đứng dậy đi tiếp”.“Tôi nghĩ là đừng nên mở rộng công ty vội. Quan trọng là phải xác định mục tiêu rõ ràng của bản thân mình. Biết cái đích đến của mình. Vì thực ra, công ty chỉ là công cụ thể thực hiện mục tiêu của mình mà thôi. Khi thành lập công ty, phải tạo ra được giá trị – giá trị mang lại cho xã hội và người tiêu dùng. Để kết quả là họ sẽ trả tiền cho sản phẩm, dịch vụ mà họ được cung cấp vì họ thấy hài lòng và giá trị mình mang lại cho họ. Một điều cuối cùng là nên đọc nhiều sách. Nhưng là sách do những người thành công và giàu nhất trên thế giới viết. Đọc sách của họ, nắm được nguyên lí cơ bản mà họ đã áp dụng thành công và làm theo”.

Anh Trần Tuấn Anh, nhà sáng lập Keewi: “dành dụm 1 số tiền nho nhỏ để tồn tại”

Rời bỏ mức lương hấp dẫn ở nước ngoài để trở về Việt Nam lập nghiệp, trước khi quyết định nghỉ việc thì anh cũng đã dành dụm 1 số tiền nho nhỏ để “tồn tại” trước khi quyết định nghỉ việc luôn. “Tồn tại” ở đây không phải là cho mình, mà còn là cho công ty của mình. Nhưng số tiền đó không phải là quá nhiều để có thể cứ thế mà nuôi công ty về lâu về dài đặc biệt là 1 công ty công nghệ, nên anh khuyên các bạn là hãy giải quyết bằng cách kêu gọi bạn bè hùn vốn chung, mượn tiền của ba mẹ hoặc nếu lý tưởng thì có doanh thu từ những ngày đầu càng tốt. Còn không thì cách hay nhất là khoan nghỉ việc, cứ vừa làm vừa gây dựng sự nghiệp riêng của mình để có thể lấy tiền bên này để nuôi bên kia, đến khi nào các bạn không thể tiếp tục được bên công việc kia nữa thì hãy quyết định nghỉ. Và trong thời gian vẫn còn làm việc và có lương bên kia thì hãy dành thời gian làm đánh giá khách hàng và tìm hiểu xem có cơ hội không càng nhiều càng tốt.

 Anh Đỗ Chí Hiếu, Quản lý cao cấp Deloitte Vietnam: “Cần có cái nhìn dài hạn”

Đỗ Chí Hiếu, Senior Financial Advisory Manager at Deloitte Vietnam

Mình cũng là 1 du học sinh ở Úc, về Sing làm 2 năm rồi quay về VN làm. Công việc đầu tiên ở VN của mình là Associate cho 1 quỹ đầu tư cỡ bự ở VN nhưng lương =1/3 so với ở Sing (và bằng 1/5 so với 1 investment banker position tương tự ở Úc, mà với khả năng của mình tự tin có thể tìm được). Có lẽ may mắn hơn nhiều người khác, trong vòng 2 năm mình có thể nói là “lấy lại những gì đã mất”. Tuy nhiên có những người không được may mắn như thế, bạn bè mình có những ng về rồi quay đi ngay hoặc làm đc vài tháng thì out. 1 CPA của Úc khoảng 3 năm kinh nghiệm có lương NET khoảng $5k/tháng thì mức offer của 1 BIG 4 ở VN khoảng 1/4-1/5 như thế, trong khi sinh hoạt phí, giá nhà cửa, xe hơi ở VN ko rẻ chút nào. Đó là lý do vì sao SV ở Úc rất muốn kiếm PR để ở lạiCó rất nhiều lý do cá nhân để mình trở về, không dùng để khuyên ai đc. Nếu có thì mình chỉ có 1, đó là 1 cái nhìn dài hạn. Từ nước ngoài về, bạn có thể phải start from the bottom bình đẳng với 1 SV trong nước. Nhưng trong dài hạn, sau 5-7 năm làm việc hoặc xa hơn, theo mình thấy những sinh viên có “gốc gác” nước ngoài tiến xa và nhanh hơn rất nhiều (nếu thực sự có năng lực). Ở Úc rất khi thấy 1 Director hay CEO nào là ng Châu Á ở các tập đoàn lớn. Hơn nữa, ko biết có phải tư ti tư ái ko, nhưng mặc dù khả năng tiếng Anh tốt, rất nhiều bạn bè bản xứ, “ở bển” ra đường mình vẫn có cảm giác như là “công dân hạng 3″Thực ra “bỏ ngang-về thẳng” như mình vẫn là “hạ sách”, vì nhiều rủi ro, tốn nhiều thời gian để “gỡ vốn”. “Thượng sách” là bạn được 1 MNC của nước ngoài có operation ở VN allocate về, ăn lương nước ngoài, sống ở VN. Ngoài ra nếu ở nước ngoài bạn học được business model hay đem về VN set up business cũng là cách hay. Hoăc bạn có quan hệ tốt ở nước ngoài, làm người “mở đường” cho doanh nghiệp nước ngoài vào VN làm ăn (có thề là tư vấn hay điều hành) cũng rất tốt.Có 1 điều đáng buồn là những lĩnh vực lương cao bổng hậu, để có “room” cho du học sinh bây giờ thường là tài chính, marketing, FMCG… còn những lỉnh vực như khoa học – kỹ thuật-giáo dục-y tế, những ngành có thể tạo nên “chuyển biến về chất” ở VN thì đãi ngộ lại quá tệ. 

Vũ Tuấn Anh, Managing Director at Vietnam Institute of Management

Anh Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện quản lý Việt Nam:  ” Du học nhưng đừng mộng du về mình”

Khi các bạn học thật nghiêm túc tại nước ngoài thì các bạn giống như một chiếc Mercedes 600 chạy trên high way 100 miles/1 giờ . khi về việt nam các bạn hình dung con đường sẽ chỉ là đường nội đô hoặc đường làng, may mắn lắm thì là đường quốc lộ 1 A có vận tốc 40 miles./ 1 giờNhư vậy các bạn rất có thuận lợi và khó khăn:

  • Thuận lợi: chạy nhanh thì khó chứ chạy chậm thì rất dễ dàng
  • Khó khăn: khó khăn không phải cái xe chạy chậm vì nó có thể chỉ chạy 5 miles /1 giờ, khó khăn là người lái xe- bạn – cảm thấy bực mình khó chịu thậm chí cáu vì bạn đã quen chạy 100 miles /1 giờ

Khi làm việc ở Việt Nam : hãy cố gắng chạy nhanh nhất ở trong đường làng, đường nội đô hoặc đường quốc lộ 1 A – Đừng bao giờ cố gắng chạy 100 miles như bên kia. Và một lời khuyên chân thành cho các sinh viên du học từ nước ngoài về: Du học nhưng đừng mộng du về mình. Khi đã chấp nhận về nước xin việc thì hẵng cứ coi mình như là một ứng viên bình t hường đi xin việc. Đừng bao giờ nói ủa bên này sao khác bên đó vậy. Nếu mà muốn làm việc ở bên đó và không cảm thấy gì khác thì hãy xin việc ở bên đó đi.

Đặng Thế Tài, CEO Công ty TNHH Tích hợp Hệ thống CMC Sài Gòn:”Chuẩn bị để thích nghi với sự thay đổi thói quen sống, làm việc, văn hoá, môi trường kinh doanh”

Đặng Thế Tài, CEO at Công ty TNHH Tích hợp Hệ thống CMC Sài Gòn (CMC SI Saigon)

Theo tôi mỗi cá nhân sẽ có nhân sẽ có những mục tiêu, hoài bão và plan riêng khi quyết định quay về VN, và sẽ không có đáp án chung cho tất cả các trường hợp. Tôi xin chia sẻ câu chuyện của riêng minh hy vọng sẽ giúp ích được một số bạn đăng có băn khoăn về hay ở, và về như thế nào?Trước khi về VN, tôi có 14 năm học tập và làm việc tại Nga và Liên Xô cũ. Trước khi đi du học tôi luôn xác định là sẽ quay về VN, tuy nhiên vì một số điều kiện và lý do riêng mãi đến 2003 tôi mới quay về được. Tôi đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng cho ngày quay trở về của minh như:- Tìm hiểu về thị trường lao động ở VN, và thị truờng ngành (lĩnh vực của tôi là CNTT) thông qua Internet, các forum và bạn bè.- Xác định công việc mà tôi mong muốn sẽ làm và có sự chuẩn bị tốt nhất có thể cho nó.- Tôi có 3 quyết định quan trọng mà tôi hay nói đùa là 3 “không”: Không làm nhà nước, không làm cho công ty nước ngoài và không ở Hà Nội.Tôi cho rằng với thời gian ở nứơc ngoài lâu như thế mình sẽ không phù hợp với môi truờng nhà nước, tôi là người Bắc nên qua tìm hiểu tôi thấy môi trường kinh doanh ở Sài Gòn phù hợp với mình hơn, và tôi muốn khi quay về có thể đóng góp gì đó dù rất nhỏ cho sự phát triển về CNTT của VN nên quyết định sẽ khởi đầu với 1 công ty VN. Cho đến bây giờ sang năm thứ 10 tôi vẫn đang làm cho công ty VN đầu tiên mà tôi tham gia, và rất may mắn là công ty tôi cũng đã có những bước phát triển vuợt bậc trong khoảng thời gian này, và mình cũng được tham gia trong qua trình đó và đi lên cùng với công ty.Tôi có khá nhiều bạn bè cùng lứa có thể nói là đã quay về “không thành công hay không như dự kiến”, đa phần họ có một số điểm chung là chưa tìm hiểu kỹ, chưa có sự chuẩn bị để thích nghi với sự thay đổi thói quen sống, làm việc, văn hoá, môi trường kinh doanh. Bản thân lại đặt ra những kỳ vọng quá lớn, rằng với khả năng, kinh nghiệm, kiến thức có đuợc sẽ dễ dang hoà nhập, hoặc được chào đón tại quê nhà. Một số thì lại có tâm lý thăm dò, cứ về xem thế nào đã, nếu có khó khăn thì lại quay trở lại. Tôi luôn xác định là dù thế nào tôi cũng sẽ không quay lại, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, thử thách, và sẵn sàng thích nghi với những gì tôi chưa biết, chưa đuợc trải nghiệm ở VN, đơn giản vì tôi đã về nhà.

Lời kết

Thật khó để trả lời câu hỏi nên hay không nên về nước: Thành công có, thất bại có, thuận lợi có, khó khăn cũng không ít.  Câu trả lời tùy thuộc vào từng cá nhân. Nhưng có điều chắc chắn: đất nước luôn mong đợi các bạn du học sinh trở về.Bạn là du học sinh? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn.

Chí Nam, Công ty Tư vấn du học Âu Mỹ (AMEC)






 

Hoặc liên hệ Hotline:

  • AMEC Hà Nội  (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
  • AMEC Đà Nẵng    (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
  • AMEC Hồ Chí Minh  (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388

Facebook: https://www.facebook.com/toididuhoc



Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

(*)

Có thể bạn quan tâm:

Tin du học nổi bật

Tin du học Mới Nhất

Đăng ký tư vấn miễn phí