HÀ NỘI

(024) 3 941 1891/2 - 0914 863 466

ĐÀ NẴNG

(023) 6 396 7776 - 091 608 2128

HỒ CHÍ MINH

(028) 6261 1177 - 0909 171 388

Bùng nổ du học Úc (kỳ 1)

du hoc ucTừ năm 2000 đến cuối năm 2010 là giai đoạn bùng nổ du học Úc với số lượng sinh viên Việt Nam đăng kí các khóa học tại Úc tăng gấp gần 7 lần và đạt mức 25.788 du học sinh.

 

Bối cảnh hội nhập

Trong giai đoạn 2000-2006, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng và ổn định với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,63%/năm. Cũng trong thời kì này, xu hướng cho con đi du học nước ngoài đã trở nên phổ biến với các gia đình khá giả.

Theo Bộ GD-ĐT Việt Nam, nếu như trong những năm 1997-1998, khi phong trào du học bắt đầu phát triển và Anh, Pháp, Mỹ là những quốc gia được du học sinh Việt Nam lựa chọn nhiều nhất thì cho đến giai đoạn kể từ năm 2000 trở đi, thị trường du học đã thay đổi nhiều với những điểm đến như Úc, New Zealand, Anh, Mỹ, Singapore và Thụy Sĩ.

Phần lớn sinh viên Việt Nam sang Úc du học theo diện tự túc nhưng bên cạnh đó, vào tháng 4/2000, chính phủ Việt Nam đã xây dựng Đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” (gọi tắt là Đề án 322) và cấp học bổng du học cho các nhóm đối tượng hưởng lương từ ngân sách và doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó còn có một số lượng nhỏ sinh viên nhận được học bổng của các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học cũng góp phần khiến cho bức tranh du học Úc thêm phong phú.

Một yếu tố khác không thể không nhắc đến là sự đóng góp lớn lao của Chính phủ Úc trong việc giúp đỡ Việt Nam phát triển kinh tế nói chung và giáo dục nói riêng. Nhân dịp đánh dấu kỉ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Úc-Việt (bắt đầu từ năm 1973), Ngoại trưởng Úc lúc bấy giờ, ông Alexander Downer, đã tuyên bố chương trình tài trợ trị giá 263 triệu đô-la Úc cho Việt Nam trong vòng 4 năm, trong đó có giai đoạn 2001-2002, nhằm tập trung cải thiện hệ thống y tế, cơ sở hạ tầng và tiếp tục viện trợ giáo dục thông qua các chương trình Học bổng Phát triển Úc vốn đã được Cơ quan phát triển Quốc tế Úc (AusAID) triển khai từ năm 1992.

Theo số liệu của Cơ quan Giáo dục Quốc tế Úc (AEI), tính đến năm 2006, số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam sang Úc học tập là 6.772 người, tăng gấp 1,5 lần năm 2000. Bên cạnh đó, số lượng sinh viên theo học các khóa tiếng Anh (ELICOS) cũng tăng lên 45.8% (đạt 1637 người), nhóm đối tượng học nghề tăng 29,8% (đạt 1089 sinh viên). Đặc biệt trong giai đoạn này, tổng số học sinh sang Úc học trung học đã tăng lên 51.6% và đạt 2907 người vào năm 2006.

Bước ngoặt với thị trường du học

Kể từ năm 2007, mối quan hệ hợp tác song phương Úc-Việt đã ngày càng củng cố và được nâng lên tầm cao mới, trở thành “Đối tác toàn diện” vào tháng 9/2009. Trong diễn tiến đó, vào năm 2010, chính phủ Úc công bố mỗi năm tổ chức AusAID sẽ cung cấp cho các sinh viên Việt Nam 225 Học bổng Phát triển (nay gọi là “Học bổng Australia vì sự Phát triển của Việt Nam” (ASDiV), tăng 50 % so với năm 2008. Thêm vào đó, Việt Nam cũng sẽ nhận được khoảng 15 Học bổng Năng lực lãnh đạo Australia (ALA) dài hạn và 40 học bổng ALA ngắn hạn. Hiện Việt Nam là nước đứng thứ ba về số lượng sinh viên được nhận học bổng ASDiV của Úc.

Cho tới giai đoạn gần đây nhất vào ngày 25/1/2011, Úc và Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục kỹ thuật và dạy nghề. Trong chuyến công du Việt Nam vào ngày 13/4/2011 vừa qua, Ngoại trưởng Kevin Rudd đã cam kết Úc sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc cải cách giáo dục bậc cao thông qua việc cung cấp học bổng và các khóa đào tạo. Ngoài ra, theo kế hoạch viện trợ của Úc, cho tới năm 2015, AusAID sẽ cung cấp tổng cộng khoảng 1680 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam.

Những nguyên nhân đó đã khiến cho số lượng du học sinh Việt Nam sang Úc học tập gia tăng rất mạnh mẽ kể từ năm 2007 tới nay. Cho đến năm 2009, thứ bậc xếp hạng của Việt Nam đã tăng đáng kể và chỉ xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan và Nepal. Chỉ tính riêng trong ba tháng đầu năm 2011 đã có tổng số 17.651 sinh viên Việt Nam đăng kí nhập học.

Trào lưu mới: di dân du học

Trong nỗ lực góp phần vào dòng chảy du học, không thể không nhắc đến sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ thông tin với tốc độ từ 15-20% và “gần như là số 1 trong khu vực” (theo lời ông Houlin Zhao, Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Vì vậy, khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia đã ngày càng thu hẹp lại và du học không còn là một điều quá to tát đối với các “công dân toàn cầu” tương lai ở đất nước này. Ngoài ra, còn phải nhắc đến một số nhân tố khác như sự thương mại hóa giáo dục, sự phát triển của các hình thức tín dụng du học tại Việt Nam, sự mở rộng các hình thức liên kết giáo dục bán du học Việt-Úc…

Về phía các sinh viên, một số lý do chính khiến họ lựa chọn du học Úc là vì bằng cấp được quốc tế công nhận, môi trường sống an toàn, thanh bình, người dân thân thiện, học phí và sinh hoạt phí rẻ hơn một số nước phát triển ở Châu Âu và Mỹ, quá trình xin visa nhanh chóng và thuận tiện.

Trong những năm qua, Úc rất mở cửa trong chính sách nhập cư và thường quảng bá du học gắn liền với việc có thể dễ dàng xin được thường trú Úc (PR – Permanent Residency) để định cư lâu dài tại đất nước chuột túi. Điều này đã góp phần khiến cho lượng sinh viên sang Úc du học tăng nhanh chóng, đặc biệt là đội ngũ sinh viên học nghề như làm tóc, làm bánh, nấu ăn, quản lý nhà hàng, khách sạn, thợ cơ khí… vì đây là những ngành nghề nước Úc thiếu hụt lao động. Từ năm 2000 đến cuối năm 2010, số du học sinh Việt Nam theo học các khóa nghề ở Úc đã tăng gần 9 lần.

Với việc cắt giảm danh sách ngành nghề ưu tiên (để xin PR) của Bộ Nhập cư và Quốc tịch (DIAC) vào tháng 5/2010, số lượng sinh viên Việt Nam sang Úc học nghề tuy đã có sự sụt giảm nhưng không nhiều (khoảng 4,5%) trong năm này.

Tuy nhiên, vào ngày 11/11/2010, chính sách di trú của Úc lại một lần nữa thay đổi, theo đó, những sinh viên muốn xin PR phải đáp ứng nhu cầu cao hơn về tiếng Anh và kinh nghiệm làm việc. Trước sự thay đổi này, có nhiều ý kiến cho rằng PR chỉ còn là một “giấc mơ xa vời” với phần lớn sinh viên quốc tế.

Nước Úc và cuộc chơi mang tên PR

Có thể nói rằng trong giai đoạn từ năm 2000-2008, nước Úc rất cởi mở trong chính sách nhập cư và việc quảng bá du học Úc thường được gắn liền với định cư nhằm thu hút sinh viên quốc tế. Điều này đã khiến cho không ít sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam, có cơ hội xin được thường trú lâu dài – PR (Permanent Residency) và trở thành công dân Úc.

Tuy nhiên, trong khoảng hai năm trở lại đây, luật PR của Úc liên tục thay đổi. Từ một đất nước mở cửa thu hút lao động nhập cư đến từ các quốc gia khác dưới thời Thủ tướng John Howard, Chính phủ Úc dưới thời Thủ tướng Kevin Rudd và gần đây là Julia Gillard đang dần đóng chặt cánh cửa nhập cư.

Trước đây, để xin được PR thì du học sinh phải có đủ 120 điểm theo cách tính của Bộ Nhập cư và Quốc tịch Úc – DIAC dựa trên cơ sở bằng cấp, độ tuổi, trình độ tiếng Anh… Bên cạnh đó, những sinh viên có ngành học nằm trong Danh sách Ngành nghề nhập cư có nhu cầu cao tại Úc – MODL (Migration Occupations on Demand List) sẽ được cộng thêm điểm ưu tiên.

Tuy nhiên, vào ngày 8/2/2010, Bộ trưởng Nhập cư và Quốc tịch Úc lúc bấy giờ là Thượng nghị sĩ Chris Evans thông báo bãi bỏ MODL và không lâu sau đó, vào tháng 5/2010, DIAC cắt giảm Danh sách các Ngành nghề ưu tiên (Skilled Occupation List – SOL), từ 408 ngành nghề xuống chỉ còn 181 ngành.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước khởi đầu của chiến lược cải cách nhập cư của chính phủ Úc.

Quyết tâm cải cách chính sách nhập cư

Điểm nổi bật nhất của luật PR mới là mặc dù để có thể đủ điều kiện nộp hồ sơ PR, các ngành học của sinh viên vẫn phải nằm trong SOL nhưng hiện nay, SOL không còn được sử dụng làm cơ sở để tính điểm như trước nữa. Đây là một trong những nỗ lực của chính phủ nhằm tách rời hơn nữa chính sách du học và định cư với lí do “chính sách nhập cư của Úc không thể bị quyết định bởi các khóa học của sinh viên quốc tế” theo tuyên bố của Thượng nghị sĩ Chris Evans, Bộ trưởng Nhập cư và Quốc tịch Úc vào năm 2010.

Chính sự buông lỏng quản lí của Chính phủ Úc trong lĩnh vực giáo dục đã dẫn đến thực trạng là mặc dù trong những năm vừa qua có một số lượng lớn sinh viên quốc tế xin được PR theo diện tay nghề nhưng rất nhiều người trong số đó lại không thể tìm được việc làm đúng chuyên ngành vì chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường lao động Úc.

Với sự thay đổi luật PR có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2011, chính phủ Úc đã thể hiện quyết tâm cải cách chính sách nhập cư. Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc thay đổi chính sách di trú theo chiều hướng thắt chặt hơn sẽ càng khiến cho Úc bị thiếu hụt trầm trọng lao động lành nghề trong tương lai.

Sinh viên quốc tế “khóc ròng”

Chính sách di trú mới đưa ra những yêu cầu cao hơn rất nhiều đối với các ứng cử viên xin PR, theo đó ưu tiên nhóm đối tượng có trình độ cao, đặc biệt là tiến sĩ (được cộng 20 điểm), cử nhân hoặc những người có cả bằng cử nhân và thạc sĩ (15 điểm).

Luật PR mới cũng ưu tiên cho những ứng cử viên trong độ tuổi từ 25-32 bởi thống kê của Cục Thống kê Úc (ABS) cho thấy nhóm lao động nhập cư nằm trong độ tuổi này mang lại lợi ích nhiều nhất cho nền kinh tế Úc. Hơn nữa, những người đã có trên 5 năm kinh nghiệm làm việc tại Úc và 8 năm tại các nước khác cũng có nhiều lợi thế trong việc được cộng thêm điểm.

Bên cạnh đó, một trong những thay đổi gây ra thách thức lớn nhất cho sinh viên quốc tế là việc DIAC nâng cao yêu cầu về điểm tiếng Anh IELTS, theo đó, chỉ có những người đạt 7 điểm IETLS trở lên (không có kĩ năng nào dưới 7) thì mới được cộng thêm điểm.

Không phải đến tận bây giờ chính sách nhập cư của Úc mới thay đổi mà trước đây Bộ Nhập cư và Quốc tịch nước này cũng từng khẳng định chắc chắn rằng: “Luật di trú sẽ liên tục thay đổi theo thời gian”.

Và xem ra giấc mơ mang tên PR sẽ vẫn còn như một trò đuổi bắt với các sinh viên quốc tế…






 

Hoặc liên hệ Hotline:

  • AMEC Hà Nội  (024)39411 891 – 39411890 – 39411892 hoặc 0914 863 466
  • AMEC Đà Nẵng    (02)36 396 7776 hoặc 0916 082 128
  • AMEC Hồ Chí Minh  (028) 6261 1177 – 6261 1188 – 6261 1199 hoặc 0909 171 388

Facebook: https://www.facebook.com/toididuhoc



Phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

(*)

Có thể bạn quan tâm:

Tin du học nổi bật

Tin du học Mới Nhất

Đăng ký tư vấn miễn phí